top of page

21 NGÀY ĐỂ LẬP TRÌNH LẠI BỘ NÃO

Một trong những công trình nghiên cứu nổi tiếng của bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Maxwell Maltz, được viết lại trong quyển sách "Tâm lý - Điều khiển học" là: cần ít nhất 21 ngày để tạo thói quen mới. Khi ông phẫu thuật thẩm mỹ cho khách thì mất khoảng 21 ngày họ mới quen dần với khuôn mặt mới của mình. Khi ông phẫu thuật tứ chi của một người không may bị tai nạn thì cũng mất khoảng 21 ngày các bệnh nhân mới quen với cảm giác mất mát, thiếu hụt một phần trên cơ thể. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông nhận định rằng cần ít nhất 21 ngày thì những hình ảnh trong tư duy, hành vi cũ bắt đầu biến mất và những hình ảnh trong tư duy, hành vi mới bắt đầu bám trụ. Điều đó không có nghĩa là đúng 21 ngày tất cả mọi thứ đều sẽ thay đổi. Các đối tượng tham gia cho thấy cần từ 18 tới 254 ngày để hình thành một thói quen, tùy thói quen đó là gì, tùy theo thể trạng và sự quyết tâm của từng cá nhân. Số ngày trung bình để đạt tới trạng thái vô thức là 76 ngày. 21 ngày, chỉ là mốc thời gian. Thử thách vẫn nằm ở sự quyết tâm của bạn, nó chiếm đến 90% sự thành công trong việc thay đổi! Tuy nhiên nếu lặp đi lặp lại một hành động trong khoảng ít nhất 21 ngày liên tiếp mà không có sự từ bỏ, đó chính là bàn đẩy giúp bạn hình thành một thói quen khác, hay thay đổi thói quen cũ một cách dễ dàng hơn. Bỏ thuốc lá không đơn thuần chỉ là cai nghiện Nicotine. Bỏ bia rượu không đơn thuần chỉ là cai nghiện cồn. ... Chủ động tránh xa thuốc lá là chủ động từ bỏ hành động cầm điếu thuốc lên và châm, chứ không phải châm một thứ gì đó được quảng cáo là "không có Nicotine" để thay thế. Cũng tương tự như vậy, chủ động tránh xa một mối quan hệ độc hại, một môi trường độc hại là chủ động dứt khoát từ bỏ sự tiếp xúc hoàn toàn với nó trong càng nhiều các giác quan càng tốt: thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác. Điều này có thể gây ra tranh cãi. Tất nhiên, nếu bạn đủ bản lĩnh sống chung với môi trường đó nhưng vẫn giữ được bản chất của mình. Còn nếu không, đừng ngần ngại tách mình ra khỏi sự độc hại.

Vậy còn giác quan thứ sáu? Là suy nghĩ, là cảm xúc hỗn độn, là ý chí, là quyết tâm? Giáo sư Elliot Berkman, Giám Đốc Phòng Thí nghiệm Thần kinh học Cộng đồng và Thần kinh học Ảnh hưởng, Khoa Tâm lý học thuộc trường Đại học Oregon nói rằng: “Bắt đầu làm một việc gì đó mới sẽ dễ hơn là từ bỏ một việc đã thành thói quen mà không có một hành vi nào khác thay thế.” Bạn cứ ngồi im, vật vã với sự thèm khát, vật vã với những ham muốn bản năng của "con" trong "con người", vật vã với những nỗi đau khổ vì thất tình, thất nghiệp, phá sản... và chờ mình sẽ thay đổi trong 21 ngày là điều không tưởng. Nếu thói quen xấu đã tồn tại trong thời gian dài, hoặc nếu bạn phải cai một chất gây nghiện hay một nỗi ám ảnh tâm trí, có thể bạn sẽ cần nhiều thời gian hơn, nhưng những hành động cụ thể sẽ giúp bạn nhanh chóng vượt qua nó, sau ít nhất 21 ngày. Sau 21 ngày liên tục đấu tranh với ý chí, dứt khoát từ bỏ những thứ độc hại và tự tạo cho mình một thói quen mới, bạn vẫn sẽ chưa hoàn toàn làm biến mất chúng ra khỏi đầu, nhưng bạn sẽ thôi không còn vật vã và đau khổ với chúng nữa. Lúc này, một đứa trẻ mới bên trong bạn dần được tái sinh và tiếp thu vào những điều tốt đẹp, sẽ bắt đầu chú tâm hơn vào những thói quen tích cực mới mà bạn đã thực hiện trong 21 ngày qua, để thay thế đi thói quen độc hại cũ. Nếu quá khó khăn để bắt đầu một mình, hãy đi tìm một người mà bạn có thể tin tưởng để giúp đỡ, để sát cánh.


5 bước để bắt đầu xây dựng một thói quen mới và từ bỏ thói quen cũ:

Bạn cần phải tự cam kết với chính bản thân mình, nghiêm túc thực hiện chúng mà không bỏ qua một ngày nào. Mục đích để lập trình lại bộ não, để vứt bỏ những sai lầm ra khỏi cuộc đời mình. 1. Ra quyết định và lập kế hoạch: Viết quyết định của mình ra giấy, đừng chỉ nghĩ trong đầu, đặt nó ở những vị trí mà bạn có thể dễ dàng nhìn thấy ở khắp mọi nơi để luôn tự nhắc nhở mình. Lập kế hoạch chi tiết để chống lại những ham muốn. Ví dụ mỗi lần muốn lặp lại sai lầm cũ thì phải lập tức đứng lên, di chuyển ra khỏi tầm mắt những thứ đó, chạy bộ/ nhảy dây/ hoặc các hoạt động thể thao lành mạnh có tiết mồ hôi. Uống thật nhiều nước lọc. Không tu ừng ực, uống chậm rãi. Nước lọc có thể xoa dịu hệ thần kinh, góp phần làm giảm những hành động bốc đồng, cũng có thể giúp giảm những "cơn thèm khát" của các giác quan. Cách uống nước chậm cũng làm giảm nhịp tim, giảm cơn "bốc hỏa". Đọc sách/ báo/ xem phim cũng là một cách để tập trung vào một thứ khác mà quên đi thói quen cũ.

2.Tuyên bố mạnh mẽ: Hãy nói với mọi người, càng nhiều người càng tốt, đặc biệt là những người quan trọng với bạn, rằng bạn đang trong quá trình hình thành thói quen mới. Bằng cách này, bạn sẽ phải tự kỷ luật bản thân nhiều hơn nữa để hoàn thiện thói quen, vì có rất nhiều người đang theo dõi bạn từng ngày, và cũng sẽ giúp hỗ trợ bạn từng ngày để bạn có đủ sức mạnh ý chí để vượt qua quán tính cũ và hướng đến sự thay đổi tích cực. Đừng chỉ nghĩ chúng trong đầu!

3. Loại bỏ bất cứ lí do nào để biện minh cho bản thân: Trong 21 ngày thay đổi thói quen, sẽ có rất nhiều lúc bạn phải đấu tranh cho sự bao biện. "Một chút thôi chắc không sao". Đừng bao giờ cố gắng biện minh cho bản thân mình. "Một chút" sẽ sụp đổ tất cả. Hãy đi đến những nơi bạn đã đặt mẩu giấy quyết tâm, nhìn nó thật lâu. Đừng ngần ngại kêu gọi sự giúp đỡ từ những người mà bạn đã tuyên bố.

4. Thực hành luật Hấp Dẫn: Dẹp bỏ ngay lập tức những suy nghĩ yếu đuối, hèn nhát: Mình không làm được, mình sẽ không làm được. Bất cứ lúc nào tâm trí bạn lại muốn vướng mắc vào sai lầm cũ, lập tức đặt ra mệnh lệnh nhiều lần trong đầu với tất cả sự quyết tâm tập hợp được: "Tôi làm được. Tôi sẽ không lặp lại sai lầm đó nữa. Tôi sẽ làm được". Những tín hiệu này sẽ được gởi vào Vũ Trụ và Vũ Trụ sẽ hồi đáp lại cho bạn những chỉ dẫn tích cực tương ứng. Vũ trụ là tổng hợp hàng tỷ tỷ Nơ ron thần kinh do các động vật sống trên Trái Đất gởi vào đó, thông qua suy nghĩ. Bạn gởi yêu thương vào Vũ Trụ, Vũ Trụ sẽ hồi đáp lại cho bạn những yêu thương khác. Bạn gởi tà tâm hay mong muốn sai trái vào Vũ Trụ, Vũ Trụ sẽ gởi lại cho bạn quả báo tương tự không hồi kết. Bởi vì Vũ Trụ không có chức năng đáp ứng tất cả mọi yêu cầu. Nó chỉ có thể phân loại các tần số ý nghĩ, tần số cao sẽ trả về một tần số cao khác tương ứng, tần số thấp sẽ trả về một tần số thấp khác tương ứng. Đó là quy luật vận hành của Vạn Vật Hấp Dẫn, bạn có thể tự tìm hiểu qua những bài viết khác. Còn nếu bạn không tin vào nó, thì bạn chỉ nghĩ đơn thuần là lặp lại câu mệnh lệnh trong đầu để tạo ý chí cho bản thân.

5. Thưởng cho bản thân: Đừng quên tự thưởng cho bản thân mỗi khi hoàn thành được mục tiêu để thêm động lực, bằng những thứ/ những việc làm bạn ao ước - không nằm trong danh mục những thứ/ những việc làm bạn đang muốn từ bỏ. Và cũng đừng quên chia sẻ chúng với những người đã giúp đỡ bạn vượt qua quãng thời gian khó khăn đó. ST

bottom of page