top of page

Luân Hồi đã từng được giảng dạy trong Kitô giáo thời kỳ đầu


Luân Hồi đã từng được giảng dạy trong Kitô giáo thời kỳ đầu

George Borrow (nhà văn người Anh) yêu mến những người dân du mục (Gypsies) đến nỗi ông cùng với họ đi xuyên qua nhiều nơi trên nước Anh và châu Âu. Một số cuốn sách nổi tiếng của ông kể lại những trải nghiệm cá nhân khi đi cùng với họ và đề cập rất nhiều điều về những người bí ẩn này, những người mà ngay cả nguồn gốc xuất xứ của họ vẫn còn đang được tranh cãi. Một số học giả cho rằng những người này là những người Bohemia gốc, phân tán khi tiểu đế chế của họ sụp đổ một vài thế kỷ trước; những học giả khác thì lại cho là họ đến từ Ai Cập cổ đại – vì thế nên có tên là “Gypsies”; hoặc là từ vùng Phoenicia; và cũng có thể là từ Ấn Độ.

Trong quyển The Zincali; hay trong tác phẩm Ghi chép của người Gypsies ở Tây Ban Nha (An Account of the Gypsies of Spain), Borrow đưa ra lý do cho niềm đam mê cả đời của ông với những người này:

“Một số người Gypsies, những người tôi nhắc đến trong trường hợp này, có tâm niệm rằng linh hồn, thứ hiện tại đang chi phối hoạt động cơ thể của tôi trước đây đã từng sống trong cơ thể của một người trong số họ; vì nhiều người trong số họ tin vào sự luân hồi, và, như những người theo Phật giáo, tưởng tượng rằng linh hồn của họ, luân chuyển qua lại giữa hằng hà sa số thân xác, trải quả một khoảng thời gian dài để đạt được sự thanh sạch đủ để được đưa vào một trạng thái của sự nghỉ ngơi và thanh tĩnh hoàn hảo, đây cũng là ý tưởng duy nhất về thiên đàng họ có thể hình dung.”

Luân hồi theo nghĩa đen có nghĩa là “chuyển giao linh hồn”, và có liên quan đến quá trình đầu thai. Câu hỏi thường được đặt ra là tại sao mãi đến thời điểm gần đây ở châu Âu mới biết đến khái niệm đầu thai? Tại sao Kitô giáo (hiện tại) không dạy điều này?

Thật sự thì, ý niệm này được tìm thấy trong những truyền thống lâu đời nhất của nền văn minh phương Tây, cũng như được dạy xuyên suốt các quốc gia cổ Cận Đông và Phương Đông. Và có bằng chứng vững chắc cho thấy rằng trong những thế kỷ đầu tiên, Kitô giáo đã thực sự truyền đạt lại điều nó đã học được về tiền kiếp của các linh hồn và sự nhập xác trở lại của chúng.

Josephus, một sử gia Do Thái, người đã sống trong suốt thế kỷ đầu sau công nguyên ghi lại trong cuốn sách Chiến tranh Do Thái (Jewish War) (3, 8, 5) và trong quyển Di sản cổ của người Do Thái (Antiquities of the Jews) (18, 1, 3) của ông rằng sự tái sinh được dạy rộng rãi trong thời của ông, trong khi người cùng thời với ông ở Alexandria, Philo Judaeus, trong những quyển sách của mình cũng đề cập đến chuyện nhập xác dưới dạng này hay dạng khác. Hơn nữa, có những đoạn trong Tân Ước có thể được hiểu chỉ khi được nhìn trong bối cảnh rằng tiền kiếp của linh hồn là một niềm tin phổ biến. Ví dụ, Matthew 16:13-14 ghi rằng khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ “Người ta nói Ta là ai?” họ trả lời một số người nói rằng ông từng là Gioan Tẩy Giả (người vừa mới bị hành hình chỉ một vài năm trước khi câu hỏi được đặt ra). Những người khác nghĩ ông là Ê-li (Elijah), hoặc Jeremiah, hoặc là các Tiên tri khác. Sau đó trong Matthew 17:13, hoàn toàn trái ngược với sự bác bỏ khái niệm về tái sinh, Giêsu nói với các môn đệ rằng Gioan Tẩy Giả đã từng là Tiên tri Ê-li.

John 9:2-4 thuật lại rằng các môn đệ hỏi Chúa Giêsu về một người bị mù là do tội lỗi của anh hay của cha mẹ mà anh sinh ra đã bị mù. Chúa Giêsu trả lời rằng không phải tại tội của anh hay của cha mẹ mà anh bị mù. Anh bị mù để cho quyền năng của Thượng Đế được bày tỏ trong anh ta, để cho quy luật nhân quả được kiện toàn. Hoặc, như Thánh Phaolô đã diễn giải lại ý nghĩ đó: Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Người mù không thể gieo những hạt giống của sự mù lòa trong cơ thể hiện tại của anh, nhưng hạt giống đó đã phải được gieo trong một kiếp trước.

Những Kitô hữu sơ khai nhất, đặc biệt là những thành viên của một trong số các giáo phái Gnostic như Valentinians, Ophites và Ebionites, sự tái nhập thân xác là một giáo lý trọng yếu của họ. Đối với họ luân hồi cho phép sự kiện toàn của quy luật nhân quả, cũng như cung cấp những công cụ để thanh tẩy linh hồn khỏi những phẩm chất dơ bẩn bắt nguồn từ sự đắm mình trong vật chất và thói tự cao mà chúng ta đã hình thành trong những giai đoạn đầu của cuộc hành trình chốn phàm trần.

Từ sau các thế hệ ban đầu của Kitô hữu, chúng ta thấy các Cha Xứ, chẳng hạn như Justin Martyr (100-165), Thánh Clement thành Alexandria (150-220), và Origen (185-254) dạy về tiền kiếp của các linh hồn, đầu thai hoặc những khía cạnh khác của sự tái nhập thân xác. Các ví dụ nằm rải rác trong các tác phẩm của Origen, đặc biệt là Contra Celsum (1, xxxii), trong đó ông hỏi:

“Nó không hợp lý sao khi các linh hồn nên được đưa vào những thân xác phù hợp với giá trị và hành vi của họ kiếp trước. . . ?”

Và trong quyển De Principiis ông nói rằng,

“Linh hồn không có điểm bắt đầu cũng như điểm kết thúc.”

Thánh Jerome (340-420), dịch giả phiên bản Latin của Kinh Thánh, được gọi là The Vulgate, trong Thư gửi Demetrias (một mệnh phụ La Mã), nêu ra rằng một số trường phái Kitô giáo trong thời của ông đã giảng dạy một hình thức đầu thai như một giáo lý bí truyền, chỉ truyền đạt nó đến một vài người “như một chân lý truyền thống không thể được công khai.”

Synesius (370-480), Giám Mục của Ptolemais, cũng đã dạy khái niệm này, và trong một lời cầu nguyện vẫn còn tồn tại, ông nói:

“Lạy Cha, xin cho linh hồn của con được hòa vào ánh sáng, và không còn bị đẩy trở lại vào ảo tưởng của trần gian.”

Trong những bài thánh ca khác của ông, chẳng hạn như Bài số III, có những câu nêu rõ quan điểm của ông, và cũng bao gồm những lời khẩn cầu cho linh hồn ông được thanh tẩy để sự tái sinh trên trái đất không còn cần thiết nữa. Trong một luận án về những giấc mơ, Synesius viết:

“Bởi công cán và thời gian, và một sự chuyển kiếp vào những mạng sống khác, mà linh hồn có thể trổi dậy từ nơi cư ngụ tối tăm này.”

Đoạn này gợi chúng ta nhớ về những đoạn trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan (3:12), với ngôn ngữ có tính biểu tượng và điểm đạo của nó:

“Kẻ nào thắng, ta sẽ cho làm cột trụ của đền thờ Thượng Đế ta, họ sẽ ở đó mãi mãi.”

Tác giả: IM Oderberg, Sunrise magazine

1973 – Theosophical University Press

Biên dịch: Nguyễn Thảo Quỳnh

Hiệu đính: Prana

bottom of page